Trên diễn đàn Quora, câu hỏi: "Trong buổi phỏng vấn, câu hỏi "Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì" có phải là cơ hội hoàn hảo để khoe khoang"? đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Nổi bật nhất trong số những câu trả lời là chia sẻ của Ambra Benjamin, chuyên gia tuyển dụng kỹ sư cho Facebook.
Theo Benjamin, đây là một câu hỏi kinh khủng và bạn sẽ gặp nó trong mọi lần đi xin việc suốt sự nghiệp của mình. Do vậy, tốt hơn hết là bạn hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời.
Câu hỏi phỏng vấn này cực kỳ phổ biến và câu trả lời "Điểm yếu của tôi là quá cầu toàn" cũng trở nên phổ biến chẳng kém. "Tôi nhận quá nhiều trách nhiệm và không thể giao phó lại cho ai", cũng là một câu trả lời phổ biến khác. Những câu trả lời chung chung và ai cũng dùng như thế này chẳng gây ấn tượng gì cho nhà tuyển dụng và quan trọng hơn, đó không phải là những gì họ muốn nghe.
Cầu toàn, tham công tiếc việc và không biết chia sẻ nhiệm vụ chắc chắn là những điểm yếu. Không biết chia sẻ công việc có thể khiến bạn không thể hoàn thành công việc, không biết ưu tiên việc nào trước và bị đánh giá kém trong khả năng làm việc nhóm. Cầu toàn lại có thể là nguyên nhân khiến công việc bị đình trệ. Cả hai câu trên đều không phải là đáp án khi bạn được hỏi về điểm yếu lớn nhất của mình vì bạn luôn phải bắt đầu từ mục tiêu cuối cùng khi đánh giá câu hỏi của mình trong một buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng hỏi bạn câu hỏi về điểm yếu để đánh giá khả năng tự nhận thức của bạn.
Nắm rõ những điểm yếu của mình là một điều quan trọng. Khi nói về các khuyết điểm, bạn đừng khoe khoang nếu không muốn bị đánh giá là kẻ không tự nhận thức được gì về bản thân. Ngay cả khi cầu toàn là điểm yếu lớn nhất, bạn hãy bỏ qua nó và kể ra điểm yếu lớn thứ hai, thứ ba của bản thân. Benjamin cho rằng việc này không hề khó, cá nhân cô có một danh sách dài những điểm mà bản thân cần cải thiện.
Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biến rằng bạn hiểu mình đang làm gì, đưa ra câu trả lời phù hợp nhất. Nếu trong vòng vài giây bạn không thể nghĩ ra một vài thiếu sót của bản thân thì hãy nghĩ tới những gì bạn đang làm để cải thiện bản thân mình.
Ai cũng có khuyết điểm. Chúng ta có thể nắm được một số khuyết điểm của bản thân nhưng có một vài điểm yếu mà chúng ta không nhận ra. Benjamin khuyên các ứng viên đừng sợ bị đánh giá, hãy chia sẻ về các nhược điểm một cách tự tin.
Biết điểm yếu và điểm mạnh của bản thân cho thấy bạn hiểu rõ chính mình và đang trên đà trở thành một nhân viên tốt hoặc một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Dẫu vậy, hãy tránh chia sẻ những điểm yếu có thể khiến bạn tuột mất cơ hội việc làm. Ví dụ, nếu ứng tuyển vào vị trí quản lý nhân sự thì bạn đừng dại thổ lộ rằng mình có khả năng giao tiếp kém hoặc rất tệ trong các mối quan hệ với người khác.
Benjamin cho biết cô cảm thấy giả tạo khi ứng viên dùng câu hỏi này như một cơ hội để khoe khoang. Cô cho rằng các ứng viên nên cẩn thận bởi chính những sự khoe khoang trong lúc phỏng vấn có thể quay trở lại gây bất lợi cho ứng viên sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Hơn nữa, theo Benjamin, bạn cũng không nên buồn nếu một nhà tuyển dụng từ chối bạn vì bạn chia sẻ thẳng thắn về điểm yếu của bản thân. Thay vào đó, hãy tìm một công việc khác, một nhà tuyển dụng khác phù hợp với bạn.
Xem thêm tại : http://look4talents.blogspot.com/2017/06/cu-nhan-that-nghiep-cao-vi-sao.html
Nguồn : https://nhanluc2017.jimdo.com/2017/06/07/trả-lời-được-câu-hỏi-này-và-bạn-sẽ-tỏa-sáng-trong-mắt-nhà-tuyển-dụng/
Nhận xét
Đăng nhận xét